Phụng Vụ Lời Chúa: Mùa Chay tuần 2

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Như thường lệ chúng ta trước hết hãy theo dõi bài suy niệm và chia sẻ  CN 2 Mùa Chay mở đầu ần 2 Mùa Chay của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, sau đó chúng ta tiếp tục với toàn bộ PVLC kèm theo các bài chia sẻ cùng hạnh các thánh ở những đường kết nối từng ngày trong tuần.
 

BIẾN HÌ̀NH

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- St 15,5-12.17-18

- Pl 3,17 – 4,1

Lc 9, 28b – 36

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Mùa Chay mang mầu tím ảm đạm. Mầu tím buồn để ta nhớ đến thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. Mầu tím buồn để ta nhớ đến cuộc sống mong manh chóng tàn nơi cõi thế. Mầu tím buồn đưa ta đi theo bước Chúa Giêsu trên đường khổ nạn. Mầu tím buồn nhắc ta nhớ đến cái chết đau khổ của Người trên thánh giá.

Giữa bầu khí ảm đạm của mùa Chay, hôm nay bỗng bừng lên làn ánh sáng chói chan từ đỉnh núi Tabo. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng dưng đổi khác. Thần tính phát lộ khiến dung mạo Người trở nên sáng láng. Ánh sáng rực rỡ làm say mê tâm hồn các môn đệ. Được sống trong khung cảnh thần thiêng thánh thiện, các ông không muốn rời bỏ đỉnh núi nữa.

Ta hãy nhớ lại, trước đó 8 ngày, khi Chúa Giêsu loan báo Người đi lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chiụ chết, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã phản đối. Ông không muốn chấp nhận thánh giá. Ông không muốn Thầy mình dấn thân vào con đường chịu chết khổ nhục. Thế mà hôm nay, đứng trước vinh quang của Thầy, ông đã say mê và đề nghị Thầy trò cùng ở lại trên ngọn núi hạnh phúc. Trốn khổ tìm sướng vẫn là cái thường tình của con người. Nhưng Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ xuống núi để tiếp tục con đường lên Giêrusalem chịu chết.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi như thế là có chủ đích. Người hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ông thấy vinh quang của thần tính để các ông chấp nhận con đường đau khổ Người sắp trải qua.

Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hi vọng. Hi vọng đó là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục sinh hân hoan. Thiếu niềm hi vọng không ai có thể sống ở đời. Người nông phu chăm bẵm mảnh ruộng, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy, vì hi vọng vào mùa gặt bội thu. Người học sinh kiên nhẫn ngày ngày cắp sách đến trường, đêm đêm chong đèn đọc sách, vì hi vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp. Người cha, người mẹ tần tảo sớm hôm, quên mình để lo cho con cái, vì hi vọng tương lai con cái sẽ tốt đẹp hơn. Niềm hi vọng vào vinh quang Phục sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. Bên trong những thửa ruộng khổ đau có gieo sẵn hạt mầm hạnh phúc. Trong những vất vả nhọc nhằn tăm tối hôm nay đã hứa hẹn thành công tươi sáng của ngày mai.

Việc Chúa biến hình giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh con người. Bản tính Thiên chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên xác phàm con người. Con người được rạng ngời vinh quang Thiên chúa. Đó là điềm báo trước: mang sẵn trong mình mầm mống thần linh, con người sẽ trở về với Thiên chúa. Cuộc trở về phải vượt qua những đớn đau, những gian nan, những thử thách. Nhưng đã biết được đích đến, ta sẽ vui lòng đón nhận tất cả. Vì thế, đạo Công giáo tuy đề cao đau khổ, nhưng không rơi vào yếm thế, bi quan. Đau khổ chỉ là phương tiện. Chấp nhận thánh giá, vì đó là nhịp cầu cần thiết để con người vượt qua từ sự chết đến sự sống, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ tủi nhục đến vinh quang.

 

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Những đau khổ góp phần rèn luyện bạn nên người. Bạn có kinh nghiệm gì về điều đó?

2- Bạn thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn nào? Qua diện mạo bên ngoài, hay qua giá trị bên trong?

3- Qua thập giá tới vinh quang. Bạn có quyết tâm gì để thực hiện điều đó trong mùa Chay năm nay?

Tuần 2 Mùa Chay

 (xin bấm vào hàng chữ trên để theo dõi các bài chia sẻ PVLC hàng ngày và hạnh các thánh tùy ngày trong tuần)

Chúa Nhật

 

Núi cao biến hình - https://youtube.com/live/cUsAYGSJK2g

MC.CNII-C.mp3 / https://youtu.be/rkLJx-SZW6U

DTCPhanxico-HuanTuTruyenTinCNIIMC-C.mp3 

https://youtu.be/9iunl9rqN4c

MC.Tuan.II-2.mp3

MC.II-3.mp3

ThanhGregoryNarek.mp3 / 

https://youtu.be/ohJnx-3lvc0  (27/2 - Thứ Ba)

MC-TuanII-4.mp3

  MC-TuanII-5.mp3

MC.TuanII-6.mp3

MC.TuanII-7.mp3

0

Suy niệm

Sự Sống biến đổi

Hôm nay, Chúa Nhật Tuần 2 Mùa Chay, và chính vì là Mùa Chay, thời điểm gắn liền với ý nghĩa và tinh thần chay tịnh là những gì liên quan tới thân xác của con người, mà phụng vụ lời Chúa hướng đến một chân trời mới đầy huy hoàng trọn hảo của thân xác con người, theo đúng chủ đề của chung Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh về một Chúa Kitô "đã tự ý bỏ sự sống mình đi để lấy nó lại" (Gioan 10:17) "để cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10) nơi cả thân xác của họ nữa.

Đúng thế, ngay trong Bài Đọc 1 chúng ta đã thấy tính chất của một sự sống viên mãn ở ngay nơi thân xác của con người từ ngay trong Cựu Ước, nơi tổ phụ Abraham, khi ông còn mang tên cũ của mình là "Abram", một tên gọi dính liền với tình trạng son sẻ của vợ chồng ông không có con nối dõi, và cũng chính là lúc ông "được công chính" nhờ ông "tin vào Thiên Chúa", Đấng đã tự động hứa với ông về một giòng dõi vô số kể xuất phát từ ông:

"Trong những ngày ấy, Thiên Chúa dẫn Abram ra ngoài và nói với ông: 'Ngươi hãy ngước mắt lên trời, và nếu có thể được, hãy đếm các ngôi sao'. Rồi Chúa nói tiếp: 'Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế'".

Tất nhiên ở đây, lời hứa thần linh này ám chỉ về một giòng dõi thiêng liêng, giòng dõi của những kẻ tin mà vị tổ phụ này là cha của các kẻ tin (xem Roma 4:16), cũng như ám chỉ về chính Chúa Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, đối tượng chính yếu và tối hậu của đức tin cứu độ, bao gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.

Tuy nhiên, lời hứa thần linh liên quan đến giòng dõi tin tưởng thần linh này được Thiên Chúa thực hiện ở ngay tại miền Đất Hứa, một địa dư về thể lý được Thiên Chúa giành sẵn cho một dân tộc là giòng dõi về thể xác của vị tổ phụ này. Đó là lý do Bài Đọc 1 chẳng những mở đầu bằng lời hứa thần linh ấy mà còn kết lại ở chi tiết liên quan đến một địa dư về thể lý cũng như đến một giòng dõi về thể xác của vị tổ phụ này:

"Khi mặt trời đã lặn rồi, bóng tối mịt mù phủ xuống, có một chiếc lò bốc khói và một khối lửa băng qua giữa những phần con vật bị chia đôi. Trong ngày đó, Chúa đã thiết lập giao ước với Abram mà nói rằng: 'Ta ban xứ này cho miêu duệ ngươi, từ sông Ai-cập cho đến sông Eu-phrát'".

Chính vì lời hứa thần linh trong Bài Đọc 1 hôm nay liên quan đến đức tin nơi nhân vật Abram, một con người được Thiên Chúa tuyển chọn làm tổ phụ của một giòng dõi chẳng những là một cộng đồng đức tin mà còn là một dân tộc về xác thịt của ông, mà tâm tình và cảm nhận được bày tỏ trong Bài Đáp Ca hôm nay có thể nói phản ảnh cảm nhận và tâm tình của một người được xưng tụng là cha đức tin trong Bài Đọc 1 hôm nay:

1) Chúa là sự sáng, là Ðấng Cứu Ðộ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? 

2) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta".

3) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong cơn thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ, xin đừng hất hủi con. 

4) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! 

Nếu khi sống lại, con người ta vốn sống trong thân xác ở trên trần gian bị giới hạn trong không gian và thời gian này, sẽ trở nên như các thần trời thiêng liêng sáng láng (xem Mathêu 22:30), một thực tại thiêng liêng được Thiên Chúa ám chỉ trong lời hứa thần linh ở Bài Đọc 1 hôm nay nơi hình ảnh: "các ngôi sao" ở "trên bầu trời" mà "Miêu duệ của ngươi sẽ đông đảo như thế". 

Thật vậy, con người tạo vật được sinh ra trên trần gian này, cho dù bản tính đã bị hư đi theo nguyên tội và bởi nguyên tội, nhưng họ cũng đã được Chúa Kitô cứu độ, và được cứu độ cả hồn lẫn xác chứ không phải chỉ có nguyên phần hồn, mà xác của con người cuối cùng cũng sẽ phục sinh như chính thân xác của Chúa Kitô, một thực tại đã được Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô xác tín và loan truyền trong Bài Đọc 2 hôm nay như sau:

"Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người".

Thế nhưng, ngay đầu câu nói này, Thánh Phaolô sử dụng cụm từ "phần chúng ta", vì ngài muốn phân biệt thành phần luôn tìm kiếm "quê hương ở trên trời" mà nhờ đó, nhờ sống đức tin, "thân xác hèn hạ của (họ mới được) nên giống như thân xác hiển vinh của Người", hoàn toàn khác với số phận của thành phần được ngài đề cập đến trước đó là "có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này". 

Cho dù tất cả loài người sẽ được sống lại, vì Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô Thiên Sai Cứu Thế, đã cứu độ chung tất cả loài người, nhưng thân xác của thành phần bị "hư vong", vì đã lấy "cái bụng" làm "chúa tể" của họ và "chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này", chắc chắn không thể chung phần với những ai được cứu độ nhờ sống đức tin, thành phần có một "thân xác hèn hạ", nhưng được Chúa Kitô "biến đổi cho nên giống như thân xác hiển vinh của Người".

Thực tại hay hình ảnh về"thân xác hiển vinh của Người" ra sao đã được Thánh ký Luca thuật lại trong Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến hiện tượng cũng là sự kiện biến hình của Chúa Kitô. Trong trình thuật này, được bộ ba Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại, và được Giáo Hội bao giờ cũng cho vào Chúa Nhật II Mùa Chay tùy bài Phúc Âm hợp với Chu Kỳ Phụng Niên A-B-C, không chỉ cho thấy Chúa Kitô "hiển dung" (biến hình ở dung nhan diện mạo của Người) mà còn biến hình ở cả toàn thân thể của Người nữa: 

"Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng".

Thật vậy, nếu "diện mạo" của Người ám chỉ linh hồn của Người thì "áo của Người" ám chỉ thân xác của Người, có nghĩa là nhân tính của Người trở nên thiêng liêng sáng sáng như các thần trời, hoàn toàn phản ảnh Thần Tính tự bản chất là Thần Linh vô cùng thánh hảo, toàn hảo và tuyệt hảo của Người, đồng thời cũng báo trước Cuộc Phục Sinh vinh hiển của Người sau cuộc khổ nạn và tử giá, một cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Người nơi bản tính loài người được Người mặc lấy và cho bản tính của nhân loại đã bị hư đi .

Trong sự kiện biến hình này của Chúa Kitô, chúng ta thấy 2 chi tiết cần phải để ý, chi tiết thứ nhất liên quan đến các nhân vật trần gian, bao gồm 3 nhân vật Tân Ước là "Phêrô, Giacôbê và Gioan" và 2 nhân vật Cựu Ước "đó là Môsê và Êlia". 

Phải chăng hai nhân vật Cựu Ước là Moisen, biểu hiệu cho lề luật của Thiên Chúa, và Elia, biểu hiệu cho các lời tiên tri, cả hai đều nói về và qui về Chúa Kitô, được chính Chúa Kitô sử dụng để chứng thực với các tông đồ rằng Người quả thực đã sống lại, hay đúng hơn để chứng thực với các vị là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người rằng Người quả thực là Đấng Thiên Sai Cứu Thế như Thánh Kinh Cựu Ước nói đến (xem Luca 24:44)?

Nếu đúng như thế thì Người quả thực là tột đỉnh của mạc khải thần linh Thiên Chúa đã tỏ ra cho dân Do Thái của Ngài trong suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, một mạc khải thần linh là "tất cả sự thật" (Gioan 16:13), được chất chứa nơi lề luật và lời tiên tri Cựu Ước, mà "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24) muốn tỏ ra cho chung loài người, nhất là cho riêng Giáo Hội của Con Ngài biết.

Giáo Hội của Con Ngài bấy giờ phải chăng được đại diện bởi 3 vị môn đệ thân tín nhất của Người, ba vị môn đệ thứ tự đóng vai tiêu biểu cho 3 thần đức tin, cậy và mến, những thần đức mang tính cách là những năng lực hay khả năng chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly để nhờ đó con người Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô có thể chẳng những được tham phần vào mà còn phải truyền đạt hay thông truyền "sự sống viên mãn" (Gioan 10:10) từ cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô nói chung và từ cuộc Phục Sinh của Người nói riêng, được Bài Phúc Âm hôm nay tiên báo ở sự kiện biến hình. 

Trong sự kiện biến hình được Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại còn một chi tiết liên quan đến trời cao nữa, đó là chi tiết liên quan đến Ba Ngôi Vị Thần Linh: "Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: 'Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người'. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu".

Nếu "đám mây" đây, theo ý nghĩa của Thánh Kinh, nhất là qua các cuộc thần hiển của Thiên Chúa trong Cựu Ước, ám chỉ Thánh Linh Ngôi Ba, một hình ảnh "bao phủ", như lời Thiên Sứ nói với Trinh Nữ Nazarét trong biến cố Truyền Tin (xem Luca 1:35), thì "tiếng phán từ đám mây" ám chỉ Ngôi Cha, Đấng đã từng chứng nhận nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét ở Sông Jordan khi Người chịu phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (xem Luca 3:22), cũng là Đấng, trong biến cố biến hình của cùng nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này, một Con Người là tất cả mạc khải thần linh Ngài muốn tỏ ra cho chung loài người biết, đã chẳng những tái xác nhận mà còn truyền cho các môn đệ của Người, tiêu biểu cho Giáo Hội của Người, rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người".

"Các ngươi hãy nghe lời Người" đây có nghĩa là hãy sống đức tin, theo chiều hướng của Bài Đọc 1, nhất là của Bài Đọc 2 hôm nay, nghĩa là sống một đời sống siêu nhiên, một đời sống không thuộc lãnh giới tự nhiên mà là siêu nhiên dù còn sống trong tự nhiên, còn sống trên trần gian này, một đời sống chẳng những liên quan đến đức tin mà còn liên quan đến toàn bộ 3 thần đức tin, cậy, mến được tiêu biểu nơi 3 vị môn đệ thân tín của Chúa Kitô trong biến cố biến hình. 

Phụng Vụ Lời Chúa cho 2 Chúa Nhật đầu của Mùa Vọng được Giáo Hội cố ý chọn đọc bao giờ cũng về sự kiện Chúa Giêsu chay tịnh 40 ngày trong hoang địa sau đó Người bị ma quỉ cám dỗ (Chúa Nhật 1 Mùa Chay) và về sự kiện Người biến hình trên núi cao (Chúa Nhật 2 Mùa Chay), như thể Giáo Hội muốn con cái của mình ngưỡng vọng về (đúng hơn sống lại trong Mùa Chay) Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô từ khổ nạn tử giá (được tiêu biểu và báo trước nơi sự kiện Người chay tịnh và bị cám dỗ) tới phục sinh vinh hiển (được tiêu biểu và báo trước nơi biến cố biến hình của Người).

Bởi thế, chỉ có Kitô hữu nào sống Mầu Nhiệm Phép Rửa của mình trong Mùa Chay, mầu nhiệm mà họ đã được thực sự vượt qua từ sự chết mà vào sự sống (xem Gioan 6:24) với Chúa Kitô nơi Phép Rửa (xem Roma 6:4-5), họ mới có thể trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người và cho Người, mới có thể hoan hưởng "sự sống và là sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10) của Đấng "đã tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy lại" (Gioan 10:17) cho họ và qua họ cho toàn thể nhân loại.


Thánh Thi (Giờ Kinh Sách Các Chúa Nhật Mùa Chay - Trích Giờ Kinh Phụng Vụ)


Ðây truyền thống thiêng liêng Giáo Hội

Sống một mùa sám hối ăn năn

Nức lòng ta hãy lo toan,

Bốn mươi ngày chẵn chuyên cần thực thi.

 

Sách Lề Luật Môsê truyền dạy,

Ngôn sứ hằng thúc đẩy không ngơi,

Kitô Vua Cả muôn đời

Cũng từng trai tịnh bốn mươi đêm ngày.

 

Ta hãy giảm mê say vui sướng

Từ nói năng, ăn uống, ngủ nghê

Tâm hồn thể xác đôi bề

Tập quen khắc khổ thiết gì xa hoa.

 

Phải cương quyết tránh xa hiểm họa

Ðã bao người nhẹ dạ tiêu vong,

Luôn luôn cảnh giác đề phòng

Kẻo sa chước quỷ, mắc vòng Xatan.

 

Muôn lạy Chúa toàn năng khôn ví

Là Ba Ngôi hiển trị thiên tòa,

Phúc lành tuôn đổ sớm trưa

Cho mùa trai tịnh thành mùa hồng ân.